Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Những điểm mới của Luật Chứng khoán 2019 doanh nghiệp cần biết

2020-11-02 13:24:30

Từ ngày 01/01/2021, Luật Chứng khoán năm 2019 sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành và thay thế cho Luật chứng khoán năm 2006 và Luật chứng khoán sửa đổi năm 2010. Dưới đây là một số điểm mới được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 mà doanh nghiệp cần biết.

 

1. Thay đổi điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng

Theo quy định tại Điều 12 của Luật Chứng khoán năm 2006, quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ quy định chung cho các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 15 của Luật Chứng khoán năm 2019, đã phân chia điều kiện của từng loại hình công ty là công ty cổ phần và công ty đại chúng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật Chứng khoán năm 2019, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (mức vốn điều lệ, lãi năm trước khi kinh doanh,...) đã có một số thay đổi so với quy định hiện hành. Đồng thời, bổ sung thêm một số điều kiện khi công ty cổ phần chào bán cổ phiếu ra công chúng. Chi tiết tại bảng dưới đây:

STT

Điều kiện

Luật Chứng khoán

năm 2006

Luật Chứng khoán

năm 2019

1

Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán

Từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán

Từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán

2

Lãi năm trước

Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán

Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán

3

Phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán

 

Phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua

Phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua

4

Bổ sung quy định

 

Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành

5

Bổ sung quy định

 

Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán

6

Bổ sung quy định

 

Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích

7

Bổ sung quy định

 

Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán

8

Bổ sung quy định

 

Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán

9

Bổ sung quy định

 

Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

2. Chỉ được bán thêm cổ phiếu khi hoạt động kinh doanh có lãi

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019, để chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng thì hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán của công ty đại chúng phải có lãi; đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Theo đó, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu của công ty cổ phần được quy định cụ thể như sau:

(1) Đáp ứng các điều kiện số 1,3,6,7,8,9 thuộc phần 1 nêu trên.

(2) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;

(3) Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;

(4) Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

3. Phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn khi kết thúc đợt chào bán

Một trong những điều kiện của công ty cổ phần khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng được quy định tại Điểm h Khoản 1, Điểm i Khoản 3 Điều 15 của Luật Chứng khoán năm 2019. Theo đó, cổ phiếu, trái phiếu phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

4. Bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán

So với Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010), tại Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 đã quy định thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

- Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

- Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

5. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

5.1. Thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

Đây là quy định mới được đề cập tại Chương IV của Luật Chứng khoán năm 2019.

Theo quy định hiện hành, chỉ đưa ra khái niệm về Sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán; việc tổ chức thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, có 02 Sở giao dịch chứng khoán đó là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx), Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Hose).

Ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, không còn đề cập đến Trung tâm giao dịch chứng khoán.

Thay vào đó, quy định theo hướng chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con).

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngoài Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.

5.2. Thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

Theo quy định hiện hành, không có quy định về tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, nhưng, tại Luật Chứng khoán năm 2019, đã có quy định về việc thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (Chương V của luật này).

Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Các quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quy định tại Điều 55 của Luật Chứng khoán năm 2019.

6. Tăng chế tài xử phạt

Theo quy định hiện hành, các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012Nghị định 108/2013/NĐ-CPNghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Tại Điều 132 của Luật Chứng khoán năm 2019:

- Mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm đối với hành vi:

+  Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

+  Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 03 tỷ đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

7. Quy định về thủ tục cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán

Căn cứ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, thì kinh doanh chứng khoán thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cho nên, trước khi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.

- Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày 01/01/2021, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép trước ngày 01/01/2021 mà đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 135 Luật Chứng khoán năm 2019 thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 71 Luật Chứng khoán năm 2019; KHÔNG phải thực hiện thủ tục đổi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, trừ trường hợp có yêu cầu.

- Sau 02 năm kể từ ngày 01/01/2021, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép trước ngày 01/01/2021 mà không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 135 Luật Chứng khoán năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép theo quy định của Luật Chứng khoán 2019.

Căn cứ pháp lý:

Luật Chứng khoán năm 2006.

- Luật Chứng khoán năm 2019.

                                                                                                                 Kim Hằng