Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Nhà thầu - kẻ tám lạng, người nửa cân

2016-07-05 11:00:01

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, nếu như một số chủ đầu tư luôn tương kế tựu kế làm khó các nhà thầu thì nhiều nhà thầu cũng có trăm phương nghìn kế “đáp lại” chủ đầu tư.

 Không ngừng làm chủ đầu tư lúng túng

Đó là câu chuyện xảy ra tại gói thầu “Xây dựng nhà lớp học 3 tầng, nhà bảo vệ, nhà văn phòng, nhà vệ sinh, hệ thống đường nội bộ, hệ thống điện ngoại vi và chiếu sáng, hệ thống cấp nước” của một trường tiểu học ở tỉnh CT. Theo đó, kết quả đánh giá về hồ sơ dự thầu (HSDT) của 5 nhà thầu A, B, C, D và E tham gia đấu thầu gói thầu trên đều đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực và kỹ thuật, tuy nhiên có một nhà thầu bỏ giá dự thầu thấp hơn rất nhiều so với giá gói thầu. Cụ thể, gói thầu trên có giá 15 tỷ đồng; các nhà thầu đều có thư giảm giá và giá dự thầu sau giảm giá của 4 nhà thầu A, B, C và D đều xoay quanh mốc 13 - 14 tỷ đồng, riêng nhà thầu E có giá dự thầu là 8,5 tỷ đồng (giá dự thầu trong đơn dự thầu của nhà thầu đưa ra là 12,5 tỷ đồng, sau đó nhà thầu có thư giảm giá 4 tỷ đồng). Lần đầu tiên làm chủ đầu tư nên Nhà trường rất lúng túng, không biết nên xử lý việc này như thế nào bởi với giá dự thầu thấp như thế, nếu trúng thầu liệu nhà thầu này có thi công đúng tiến độ và có đảm bảo chất lượng công trình không?

Qua tìm hiểu thực tế thì được biết, sở dĩ nhà thầu bỏ giá quá thấp vì lúc đó nhà thầu làm mọi cách để trúng thầu. Việc nhà thầu đưa ra giá dự thầu ban đầu là 12,5 tỷ đồng đã là thấp rồi nhưng nhà thầu vẫn sợ có nhà thầu khác bỏ thấp hơn. Theo tính toán của nhà thầu, để nắm phần thắng trong tay, nhà thầu quyết định nộp thêm thư giảm giá 4 tỷ đồng; sau khi trúng thầu, nhà thầu sẽ được ứng một phần vốn để thi công công trình, nhà thầu sẽ dùng khoản tiền này để duy trì bộ máy của Công ty (nhà thầu này đã nợ lương một thời gian dài của các nhân viên và nếu không thanh toán lương cho người lao động, họ sẽ nghỉ việc). Còn lấy vốn ở đâu để thi công công trình trên của Nhà trường thì nhà thầu sẽ tính tiếp? Và hơn ai hết, nhà thầu biết rõ rằng, số tiền mà nhà thầu đề xuất để trúng thầu không thể nào thi công công trình trên của Nhà trường được nhưng theo nhà thầu, đây là việc làm cực chẳng đã trong hoàn cảnh nhà thầu đang rất cần tiền.

Câu hỏi đặt ra ở đây là “nếu trúng thầu liệu nhà thầu này có thi công đúng tiến độ và có đảm bảo chất lượng công trình không, tức là giá dự thầu này có khả thi không?” chỉ được giải đáp nếu bên mời thầu (Tổ chuyên gia đánh giá HSDT) có kiến thức và kinh nghiệm trong đấu thầu. Trong trường hợp này, Tổ chuyên gia cần áp dụng việc xử lý tình huống theo quy định tại khoản 5 Điều 70 (Xử lý tình huống trong đấu thầu) Nghị định 85/2009/NĐ-CP: “Trường hợp HSDT có đơn giá khác thường mà gây bất lợi cho chủ đầu tư thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về những đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì đây là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định như đối với nội dung chào thừa hoặc thiếu của HSDT so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) theo quy định tại Điều 30 Nghị định này”.

Như vậy, nếu nhà thầu giải thích không rõ thì sẽ coi là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch, sau khi hiệu chỉnh sai lệch, nếu giá đánh giá của nhà thầu E cao hơn giá đánh giá của các nhà thầu A, B, C, D sẽ bị trượt thầu. Ngoài ra, trong hợp đồng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể đưa ra các điều kiện về tiến độ và chất lượng thi công mà nếu vi phạm, nhà thầu sẽ bị phạt rất nặng thì lúc đó trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện hợp đồng sẽ tốt hơn. Trường hợp sau khi hiệu chỉnh sai lệch, giá đánh giá của nhà thầu E vẫn thấp nhất, lúc này Tổ chuyên gia cần áp dụng khoản 10 Điều 70 Nghị định 85/2009/NĐ-CP để xử lý: “Trường hợp giá đề nghị trúng thầu do bên mời thầu đề nghị thấp bất thường hoặc thấp dưới năm mươi phần trăm (50%) giá gói thầu, hoặc dự toán được duyệt thì trước khi phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư có thể đưa ra các biện pháp phù hợp như thành lập tổ thẩm định liên ngành để thẩm định kỹ hơn về hồ sơ dự thầu của nhà thầu hoặc đưa ra các biện pháp phù hợp trong hợp đồng để bảo đảm tính khả thi cho việc thực hiện”.

Tóm lại, để ứng phó với các “tình huống bất thường” của các nhà thầu thì bên mời thầu, chủ đầu tư cần phải có kiến thức về đấu thầu, có quyết tâm và có cái tâm trong sáng vì lợi ích của Nhà nước và của cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư ít kinh nghiệm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi một số nhà thầu liên tục quây thầu, rồi thuê các nhà thầu khác làm quân xanh cho mình. Đó là câu chuyện của chủ đầu tư dự án Mở rộng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn huyện MC, tỉnh SL” khi chủ đầu tư phải mất gần 2 năm mới lựa chọn được nhà thầu thi công cho Dự án. Sau thời gian thông báo mời thầu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến hết thời gian phát hành HSMT, chủ đầu tư chỉ thấy có hai nhà thầu đến mua HSMT nên đã gia hạn thời gian phát hành HSMT. Thông báo gia hạn này được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, đến hết thời gian gia hạn bán HSMT, chỉ có thêm một nhà thầu đến mua HSMT. Chủ đầu tư cho rằng, do đây là gói thầu phải triển khai trên một huyện miền núi nên các nhà thầu không mấy “mặn mà”. Đến thời điểm đóng thầu, chỉ có 3 nhà thầu đến nộp HSDT. Điều đáng chú ý là trong 3 HSDT thì 1 HSDT về cơ bản không đáp ứng yêu cầu của HSMT, 1 HSDT lại có giá vượt giá gói thầu, HSDT còn lại của Công ty TNHH TM&XD MP thì có giá xấp xỉ với giá gói thầu. Và có lẽ, nhà thầu Công ty TNHH TM&XD MP đã trúng thầu nếu chủ đầu tư không biết được thông tin về việc nhà thầu này đã quây thầu và thuê 2 nhà thầu khác làm quân xanh cho mình. Cụ thể, nhà thầu này đã nhiều lần thuê người khống chế một số nhà thầu ở các địa phương khác đến mua HSMT mà chủ đầu tư không hay biết. Trước sự đe dọa đó, một số nhà thầu đã không dám mua HSMT nữa, thậm chí có nhà thầu ở HN đã mua được HSMT thì cũng “bỏ của chạy lấy người”, không nộp HSDT nữa.

Đối với những trường hợp nhà thầu thông thầu, quây thầu, nhà thầu làm quân xanh, quân đỏ như trên, chủ đầu tư cần phải tinh tường trong việc phát hiện những mánh khóe của nhà thầu để có thể có biện pháp ứng phó và xử lý kịp thời. Đồng thời, sau khi phát giác các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư cần phải thông báo rộng rãi “danh tính” các nhà thầu này trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người được biết. Theo khoản 12 Điều 12 Luật Đấu thầu thì việc “dàn xếp, thông đồng giữa hai hay nhiều nhà thầu để một nhà thầu trúng thầu trong cùng một gói thầu…” là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu và tại điểm c khoản 3 Điều 65 Nghị định 85/2009/NĐ-CP thì hành vi này bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Đây là hình phạt không hề nhẹ tý nào vì nếu nhà thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm trở lên đồng nghĩa với việc nhà thầu đó sẽ bị phá sản.  

Tìm cách “bắt lỗi” chủ đầu tư

Việc nhà thầu thi công ì ạch khiến công trình bị chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng, gây thất thoát, lãng phí vốn nhà nước hoặc hiệu quả đầu tư thấp… đã trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Luật Đấu thầu và các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có những quy định xử phạt cụ thể đối với những nhà thầu cố tình chây ì, thi công công trình không đúng tiến độ đã cam kết. Chế tài thì đã có nhưng trong thực tế, mỗi khi công trình chậm tiến độ, nhà thầu lại tìm cách “đẩy quả bóng” sang chủ đầu tư.

Cái cớ phổ biến mà các nhà thầu vẫn hay vin vào là do chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch chậm, nhà thầu không có mặt bằng thi công nên việc triển khai công trình không đạt tiến độ như cam kết là lẽ đương nhiên. Thông thường, trong các hợp đồng trúng thầu thì phần giải phóng mặt bằng là công việc của chủ đầu tư mà thực tế của phần công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tuy nhiên, chẳng mấy khi nhà thầu chia sẻ khó khăn này với chủ đầu tư, mà ngược lại, nhà thầu lại xem đây là cái áo giáp đỡ đạn để mặc sức muốn thi công công trình lúc nào cũng được. Một số chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, thực tế ở những công trình phải thi công xây dựng trên một diện rộng như làm đường mà trên đường có các cầu, các công trình phụ trợ khác… thì giả sử chủ đầu tư có bàn giao mặt bằng đúng hoặc sớm hơn hẹn, nhà thầu cũng không thể cùng lúc sử dụng toàn bộ mặt bằng để xây dựng được. Với những công trình này thì giải phóng mặt bằng đến đâu có thể thi công công trình đến đó.

Bên cạnh đó, mỗi khi bị phản ánh hoặc bị hối thúc về tiến độ thi công công trình, nhiều nhà thầu đã đổ lỗi ngay cho chủ đầu tư là do chủ đầu tư thanh toán chậm nên nhà thầu không có vốn để mua nguyên vật liệu, trả lương cho người lao động, thuê máy móc… nên phải “đắp chiếu” công trình. Thực tế thì đó là một phần nhỏ trong nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình, trong đó có rất nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà thầu như nhà thầu không toàn tâm toàn ý để thi công công trình, cùng một lúc nhà thầu nhận thi công nhiều công trình nên không thể tập trung nhân công, máy móc, vốn để thi công một công trình nào cả. Đó là chưa kể đến việc, một số nhà thầu còn sử dụng tiền tạm ứng thi công công trình để quanh vòng lấy lãi rồi khi bị hối thúc về tiến độ mới bắt đầu thi công.

Về phía các chủ đầu tư, khi bị nhà thầu “đánh bùn sang ao” thì hầu như không có cách nào bắt lý được. Thông thường, đây là những chủ đầu tư từ cấp huyện trở xuống, chưa có nhiều kinh nghiệm nên không nhận ra được chân tướng sự việc, vì sao công trình lại chậm tiến độ, nguyên nhân chính là gì? Thực tế còn cho thấy, có những nhà thầu sau khi trúng thầu thi công ì ạch, dở dang công trình rồi bỏ cuộc, không thi công nữa làm chủ đầu tư phải dở khóc dở mếu khi buộc phải tìm nhà thầu khác thay thế, lại không biết nên thanh toán phần khối lượng công việc dở dang mà nhà thầu trước đó đã làm như thế nào cả.

Ngoài ra, có chủ đầu tư do thiếu kinh nghiệm, làm hợp đồng thi công với nhà thầu lỏng lẻo, không có quy định cụ thể để xử phạt nhà thầu khi công trình bị chậm tiến độ nên cho dù chủ đầu tư đã nhiều lần hối thúc việc thi công công trình nhưng nhà thầu vẫn “kiên trì” chây ì. Đó là câu chuyện của chủ đầu tư Trường tiểu học TT khi hơn chục lần chủ đầu tư tổ chức họp để triệu tập và hối thúc nhà thầu thi công công trình nhà lớp học ba tầng, tuy nhiên nhà thầu thường xuyên không hợp tác và cũng không chịu thi công công trình trong khi hàng trăm học sinh của Nhà trường do không có chỗ phải học ở những nhà tạm rách nát, học vào các ca đêm.

Một số chuyên gia trong ngành xây dựng còn cho biết, hiện nay không ít nhà thầu thường xuyên trì hoãn thi công công trình để chờ cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc có lợi hơn cho nhà thầu (chẳng hạn cơ chế bù giá, tính trượt giá, thanh toán phần khối lượng công việc phát sinh do công trình chậm tiến độ). Theo đó, việc trì hoãn thi công công trình, công trình chậm tiến độ thường kéo theo việc tăng tổng mức đầu tư, thậm chí có những công trình do chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công mà tổng mức đầu tư đã tăng lên hàng nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia về đấu thầu thì đối với những trường hợp nhà thầu cố tình chây ì, làm chậm tiến độ thi công công trình, chủ đầu tư cần có sự giám sát chặt chẽ, cụ thể là ghi “nhật ký công trình chủ đầu tư”, dựa vào HSDT và hợp đồng thi công của nhà thầu để theo dõi tiến độ triển khai dự án, gói thầu; xem nhà thầu có thực hiện đúng như cam kết với chủ đầu tư hay không; nếu nhà thầu không có biện pháp khắc phục và vẫn cố tình vi phạm, chủ đầu tư nên chủ động cắt hợp đồng và lựa chọn nhà thầu khác thay thế. Theo đó, trong hợp đồng với nhà thầu, chủ đầu tư cần có những điều khoản quy định rạch ròi, chặt chẽ cũng như có chế tài xử phạt cụ thể, mạnh tay đối với việc thi công chậm trễ của nhà thầu; đồng thời phân định những nguyên nhân khách quan và chủ quan liên quan đến việc chậm tiến độ để làm căn cứ cho việc xử phạt. Có như vậy, chủ đầu tư mới không bị nhà thầu “đánh bùn sang ao”, không có cớ để chây ì và công trình mới có thể sớm đưa vào khai thác, đáp ứng những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.     

Bích Thảo   - Báo ĐT