Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Công chức - Chuyện làm giàu

2016-04-19 11:09:33

(Cadn.com.vn) - Mới đây bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đã phát biểu với báo chí rằng “Cũng nên giáo dục một quan điểm ngay từ đầu, từ nhỏ: Anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ anh mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm. Làm quan chức mà để mong giàu có thì phải trị ngay cái tư tưởng đó”.

 

Ý kiến này của tiến sĩ Trần Du Lịch, nhìn từ  góc độ của một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp là rất chính xác và nói một cách dân dã là rất chí lý, nhưng nó sẽ thuyết phục hơn khi người công chức, viên chức của chúng ta có đồng lương đủ sống không phải vướng bận gì về chuyện “cơm áo gạo tiền” để tập trung dồn hết tâm sức để cống hiến, để phục vụ bộ máy mà mình được tuyển chọn, sử dụng, chứ không phải sống với đồng lương khiêm tốn, để rồi phải tranh thủ kiếm tiền để lo cho gia đình, con cái, một tình trạng khá phổ biến hiện nay.

Về vai trò là nhân tố cấu thành bộ máy nhà nước, trách nhiệm của công chức là nặng nề, sự chuyên nghiệp, trong sạch của họ là nền tảng của một bộ máy nhà nước vững mạnh. Chính vì vậy mà trong chủ trương cải cách hành chính, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ công chức luôn luôn được đề cập. Trong sự đan xen, mâu thuẫn giữa bản chất của công chức mà một bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh cần với những nhu cầu rất đời thường của mỗi con người để làm được một công chức đúng nghĩa quả là không dễ.

Phải dũng cảm mà nhìn thẳng vào sự thật và nói với nhau một cách “đời thường” một chút là, giữa một bên là  sự cám dỗ, sức hấp dẫn của đồng tiền và bên kia là đồng lương ít ỏi của công chức, viên chức, quả là một ranh giới khá mỏng manh. Với mặt bằng đồng lương  như hiện nay, thì thu nhập của công chức quả là khiêm tốn. Để giữ được mình, để lương tâm không phải cắn rứt vì làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực... là một thử thách luôn đặt ra cho những công chức chân chính.

 
 

Đối diện với thực tế là lương không đủ sống thì tất yếu buộc con người phải toan tính, mưu cầu cuộc sống. Một vị lãnh đạo một cơ quan công quyền, nay đã nghỉ hưu, từng bộc bạch với người viết rằng, thật lòng là khi nhận cái phong bì của người ta đưa nhân một dịp lễ tết nào đó, nôm na gọi là “lộc”, tuy đó không phải là tiền chạy chọt hay hối lộ gì nhưng vẫn “cảm thấy nhục lắm chứ”.

Vì nghĩ đến chuyện ngày mai tiền học cho con, tiền chữa bệnh cho mẹ già lấy ở đâu mà đành tặc lưỡi nhận cái phong bì đó. Tất nhiên nếu với đồng lương đủ sống, đủ lo cho những chuyện đời thường của bản thân, của gia đình thì người ta đâu đến nỗi phải nhận những khoản “lộc” trong tâm trạng không lấy gì làm thoải mái như vậy!

Cũng xuất phát từ chuyện lương không đủ sống mà nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp đã tạo điều kiện cho công chức, viên chức kiếm thêm thu nhập bằng cách “bật đèn xanh” để công chức viên chức kiếm thêm những khoản ngoài lương. Từ đó mà có người đã nhận xét rằng, hiếm có nước nào cho phép công chức, viên chức làm thêm, hành nghề tư nhân rộng rãi, thoải mái như nước ta.

Trong thực tế thì mức lương chính thức của công chức quá thấp so với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả so sánh với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, đã tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Lương không đảm bảo cuộc sống của bản thân công chức và gia đình họ (có thể ước tính chỉ đáp ứng 30 – 40% nhu cầu tối thiểu của một gia đình công chức).

Vì thế, công chức buộc phải xoay xở để có thêm thu nhập; trong đó có những thu nhập hợp pháp. Song, có khá nhiều thu nhập không chính đáng, bất hợp pháp dựa vào quyền lực của công chức (những người có quyền cấp đất, cho thuê đất, có quyền duyệt dự án đầu tư, cấp tín dụng, cho khoanh nợ; có quyền bổ nhiệm chức vụ, có quyền can thiệp vào kết quả xét xử của tòa án...) mà thực chất là tham nhũng.

Không hiếm những đối tượng công chức “vật vã kêu than” lương không đủ sống, rồi hàng loạt lệnh cấm, quy định ban ra nhưng một thực tế vẫn diễn ra là, trở thành công chức là niềm mơ ước của số đông. Thậm chí có người sẵn sàng đổi cả một khoản tiền tương đương hàng trăm tháng lương để được... làm công chức!

 

 

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trong điều kiện khó khăn, cần đẩy mạnh tái cơ cấu hiện nay thì đòi hỏi phải có được một bộ máy hành chính năng động, đội ngũ công chức tinh hoa, công tâm. Muốn vậy bộ máy phải tinh gọn chứ không cồng kềnh, kém hiệu quả như hiện nay.

Cái tỷ lệ 1% hay 30% “công chức cắp ô” đến nay vẫn trong vòng tranh cãi nhưng không khó nhận ra nhiều người mang tiếng là công chức nhà nước nhưng không có nhiều việc để làm, cứ tà tà sáng đi chiều về, đi trễ về sớm, túc tắc làm việc, lương tháng nhận đều, ung dung, thong thả, đi theo đó là những khoản bổng lộc “hoa rơi” nhận đều đều, mà có khi còn nhiều hơn lương.

Đến đây quay trở lại câu nói của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, muốn làm giàu sao người ta không ra làm ngoài tư nhân mà vẫn có người bằng mọi giá để vào làm công chức!? Phải chăng nơi đó có chỗ để “làm giàu”?!

Một nghịch lý không khó nhận ra về lương công chức và mức sống của họ không tương xứng như vậy mà chúng ta vẫn không đi thẳng vào tìm nguyên nhân, nguồn cội của những nghịch lý đó để xóa bỏ.

Cứ để tình trạng đó kéo dài mà không đi vào giải quyết căn nguyên của vấn đề thì sẽ tiếp tục tồn tại một bộ phận công chức giàu có nhưng cũng... đi tù vì tham nhũng lúc nào không hay, tạo ra những công chức có lối sống làm giàu bất chấp thủ đoạn khiến băng hoại giá trị đạo đức trong xã hội. Đó chính là thực tế và tương lai gần rất đáng lo ngại đối với bộ máy nhà nước đang rất cần tinh gọn và trong sạch của chúng ta.

Quốc Dũng – Báo CADN