(ĐTCK) Đang triển khai các đợt thoái vốn cho Tập đoàn Điện lực và nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, ABS thấy có những thuận lợi, nhưng cũng có không ít vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện thoái vốn.
Về thuận lợi, Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao trong công tác thoái vốn nhà nước, thể hiện qua việc ban hành những nghị định, quyết định hướng dẫn, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động thoái vốn. Ban lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty quan tâm đến vấn đề thoái vốn và có chỉ đạo kịp thời, cần thiết để công tác thoái vốn theo đúng quy định, đảm bảo triển khai nhanh và hiệu quả.
Với tư cách là đơn vị tư vấn, ABS không ngừng xây dựng và phát triển các mối quan hệ với các đối tác, quỹ đầu tư bên ngoài. Thông qua các mối quan hệ, Công ty sẵn sàng giới thiệu cơ hội đầu tư từ các đợt thoái vốn, cổ phần hóa tới các nhà đầu tư tiềm năng để thúc đẩy quá trình thoái vốn diễn ra nhanh chóng và thành công.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn là hồ sơ thoái vốn cần rất nhiều tài liệu, có những doanh nghiệp có phần vốn được thoái không cung cấp đủ giấy tờ theo quy định, hoặc bản thân không muốn cổ đông thoái vốn, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thoái vốn.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động thoái vốn của các tổng công ty, DNNN, bên cạnh nguyên tắc công khai, minh bạch, hoạt động thoái vốn cần phải đảm bảo yếu tố rất quan trọng đó là bảo tồn vốn nhà nước ở mức cao nhất, nên giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần thường được tính toán và cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ngoài việc căn cứ vào kết quả kinh doanh quá khứ, giá khởi điểm bán đấu giá còn được tính đến yếu tố tương lai, làm sao đảm bảo tối đa được giá trị cho phần vốn được thoái. Thực tế, mức giá tối thiểu chủ yếu được quyết định bằng mệnh giá để đảm bảo đúng mục tiêu của hoạt động thoái vốn là bảo toàn vốn và lợi ích tối đa. Tuy nhiên, có những trường hợp thoái vốn bằng mệnh giá, nhà đầu tư chê đắt, không mặn mà tham gia.
Thời gian qua, để thúc đẩy quá trình thoái vốn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả, Chính phủ cùng các cơ quan, ban, ngành đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng và phù hợp. Trong đó, ngày 15/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 1/11/2014) về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Quyết định này được đánh giá là bước đột phá, giải quyết đúng vào những vướng mắc đang cản trở tiến độ thoái vốn nhà nước.
Chính vì vậy, đến thời điểm này, vấn đề gây khó khăn đến việc thoái vốn chủ yếu là tình hình thị trường. Những khó khăn của thị trường đã chi phối nhiều đến các giao dịch, nhưng hoạt động thoái vốn sẽ trở lên dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp làm ăn có lãi. Do vậy, việc thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ là đòn bẩy giúp hoạt động thoái vốn diễn ra nhanh và chất lượng hơn.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của ABS, yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của các đợt thoái vốn lớn đó chính là tìm kiếm bên mua và mức giá. Căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, cung cầu thị trường là yếu tố quyết định đến kết quả của các đợt thoái vốn. Có nhiều trường hợp, đối tác rất muốn mua, nhưng giá quá cao. Ngược lại, không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất vốn, khi đó giá rất thấp mà cũng không có đối tác mua.
Ngoài các yếu tố trên, uy tín và kinh nghiệm của đơn vị tư vấn cũng góp phần không nhỏ vào thành công của các đợt thoái vốn. Chẳng hạn, không đơn thuần chỉ là đơn vị làm hồ sơ tư vấn, công ty chứng khoán cần kết hợp tìm kiếm bên mua. Khi có các thông tin bán cổ phần, ABS liên hệ với đối tác quan tâm, thỏa thuận sơ bộ, giới thiệu tham gia đấu giá và thỏa thuận. Đây là công đoạn quan trọng, đảm bảo việc bán đấu giá thành công.
Hiện tại, tình hình TTCK đã khởi sắc hơn, đây là yếu tố thúc đẩy hoạt động thoái vốn diễn ra thành công. Trong thời gian tới, với chủ trương đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành, giảm vốn ở những ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, kỳ vọng hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ đạt hiệu quả và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Theo quy định hiện hành, một đợt thoái vốn được thực hiện theo lộ trình sau:
- Đơn vị tư vấn nghiên cứu thẩm định doanh nghiệp được thoái vốn, lên phương án thoái vốn và xác định các tài liệu cần được cung cấp để chuẩn bị cho đợt thoái vốn.
- Chủ sở hữu xem xét kết quả thẩm định để quyết định số lượng cổ phần và giá khởi điểm bán đấu giá.
- Tổ chức bán đấu giá công khai.
-Tiến hành mua cổ phần, chuyển trả về cho Nhà nước.
- Trong trường hợp bán đấu giá không thành công sẽ chuyển sang bán thỏa thuận.
Trịnh Hùng, CTCK ABS