Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại DN

2020-03-09 09:50:42

Ngày 08 tháng 08 năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định rõ, doanh nghiệp không được trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài. Số dư dự phòng các khoản đầu tư ra nước ngoài mà doanh nghiệp đã trích lập đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (nếu có) được hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2019.

Doanh nghiệp phải lập dự phòng giảm giá cho đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, thành phẩm (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện:

-Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho;

- Là hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Thông tưkhông còn quy định về “trường hợp nguyên vật liệu có giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc nhưng giá bán sản phẩm dịch vụ được sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá thì không được trích lập dự phòng giảm giá nguyên vật liệu tồn kho đó.”

Ngoài ra, về xác định giá trị hàng tồn kho hủy bỏ, thanh lý, Thông tư cho phép doanh nghiệp thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị hàng tồn kho hủy bỏ, thanh lý.

Về dự phòng nợ phải thu khó đòi, Thông tư quy định đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn, đồng thời đảm bảo điều kiện phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả và có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi.

Về chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, Thông tư quy định rõ trường hợp doanh nghiệp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát).

Mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, quy định như sau:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

Ngoài ra, một điểm mới của Thông tư số 48/2019/TT-BTC là Thông tư quy định mức trích lập dự phòng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.

Việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2019/TT-BTC làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định. Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính của các tổ chức kinh tế thực hiện theo pháp luật về kế toán.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2019 và áp dụng cho năm tài chính 2019.

Bãi bỏ Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp; Thông tư số 34/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009; Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/06/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 và các văn bản khác quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trái với quy định của Thông tư này.