Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hãy bỏ chế độ kế toán trưởng và báo cáo tài chính bắt buộc

2019-05-16 11:16:50

Trần Thanh Nguyên
Thứ Ba,  14/5/2019, 14:57 

(TBKTSG) - Hoàn toàn có lý để xóa bỏ chế độ nộp báo cáo tài chính (BCTC) bắt buộc đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (xin nhấn mạnh: với những ngoại lệ cần thiết, như các công ty con trong nhóm công ty, có nhà đầu tư nước ngoài, những ngành nghề đặc biệt...) và xóa bỏ luôn cơ chế kế toán trưởng bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp dân doanh, chứ không riêng gì DNNVV.

Có như vậy DNNVV sẽ giảm được chi phí tuân thủ, tiết kiệm chi phí và trở nên khấm khá hơn.

 

Hai điểm cần chú ý trong một văn bản mới

Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28-12-2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ có lẽ là văn bản mới nhất và thoáng nhất liên quan đến chế độ kế toán đối với doanh nghiệp. Trong thông tư này có hai điểm mới cần chú ý.

Thứ nhất, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi trên sổ kế toán để theo dõi doanh thu, thuế phải nộp, tiền lương và các khoản trích theo lương... phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế. Doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tự tổ chức thực hiện công tác kế toán và không bắt buộc phải lập BCTC.

Thứ hai, doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán, không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Doanh nghiệp siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng.

Rõ ràng đây là những điểm rất tiến bộ về chế độ kế toán từ xưa đến nay. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng lại quá hẹp: chỉ áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Riêng điểm thứ nhất không áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế theo phương pháp tính trên thu nhập chịu thuế (vẫn phải nộp BCTC).

Hơn nữa, thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ cũng chưa có quy định rõ ràng. Thông tư trên chỉ nói tiêu chí doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về thuế, mà pháp luật về thuế lại chưa có quy định đó. Vậy nên có ý kiến đề xuất tạm thời thực hiện theo Nghị định 39/2018 hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV.

Tuy nhiên điều quan trọng hơn và cần thiết hơn nữa mà bài viết này muốn nói đến ở đây là rất nên mở rộng phạm vi áp dụng hai điểm trên cho tất cả DNNVV, chỉ trừ một số ngoại lệ nhất định.

Vì sao nên bỏ cơ chế Kế toán trưởng và BCTC bắt buộc?

Trong nền kinh tế thị trường, BCTC là thứ dùng để cung cấp thông tin tài chính và hoạt động kinh doanh cho nhiều đối tượng khác nhau để ra quyết định kinh tế, tài chính, đầu tư của mình. Những người đó bao gồm người quản lý/điều hành doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, chủ nợ, người cho vay, nhà cung cấp, khách hàng, người lao động, cổ đông và nhà đầu tư...

Những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty cổ phần đại chúng, là đối tượng phải tuân thủ quy định về công khai minh bạch thông tin chặt chẽ nhất, trong đó quan trọng nhất là việc lập và công bố BCTC.

Công bố thông tin thường được lý giải là cái giá phải trả cho việc công ty được hưởng quy chế trách nhiệm hữu hạn (limited liability). Do đó, vấn đề BCTC không bao giờ đặt ra với doanh nghiệp tư nhân - loại hình doanh nghiệp mà ông chủ là “cổ đông” duy nhất và phải chịu trách nhiệm vô hạn. Mục đích căn bản nhất của công bố thông tin là để bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải là công cụ cho quản lý nhà nước.

Chủ nợ cũng là đối tượng cần bảo vệ. Nhưng trên thực tế hoặc là họ không quan tâm (chủ nợ nhỏ) hoặc họ có cách khác tốt hơn để bảo vệ mình (như ngân hàng yêu cầu bên vay thế chấp tài sản và cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên để theo dõi dòng tiền trả nợ, chứ không chỉ dựa vào thông tin quá khứ trong BCTC).

Vậy công bố thông tin bảo vệ cổ đông như thế nào? Các công ty lớn thường phải sử dụng một đội ngũ nhà quản lý chuyên nghiệp, nên có sự tách bạch giữa người điều hành công ty và cổ đông. Những người này không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích của cổ đông. Họ có khuynh hướng theo đuổi lợi ích của cá nhân mình và làm thiệt hại cho công ty. Người ta gọi là “vấn đề chủ sở hữu và người điều hành” (principal - agent problem).

Cứ nhìn những vụ đại án thời gian qua sẽ thấy rõ điều này, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Lý thuyết quản trị công ty gợi ý rằng công khai minh bạch là một cách hữu hiệu để giám sát và hạn chế gian lận của người điều hành công ty, qua đó mang lại lợi ích cho chính công ty, cổ đông, người lao động...

Hơn nữa, công bố thông tin giúp tất cả các nhà đầu tư có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận thông tin về công ty và phản ứng tương thích. Cuối cùng việc công bố thông tin giúp cho thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả hơn.

Tất nhiên quy định công bố thông tin sẽ gây tốn kém (như chi phí chuẩn bị BCTC và kiểm toán) và dễ để lộ thông tin “nhạy cảm” cho đối thủ cạnh tranh khai thác. Do đó luật sẽ mở rộng đối tượng phải công bố thông tin cho đến khi nào lợi ích vẫn còn lớn hơn chi phí của việc công bố.

Ngược lại, đối với DNNVV, gần như không có vấn đề chủ sở hữu và người điều hành, cũng chẳng liên quan gì đến thị trường chứng khoán. Do đó, bắt buộc DNNVV làm BCTC trở nên vô ích và chỉ tổ gây thêm tốn kém. Lấy thí dụ ở Úc: Trừ một số ngoại lệ, DNNVV ở nước này chỉ làm quyết toán thuế với cơ quan thuế (ATO) và không bắt buộc phải nộp BCTC cho ai cả. Doanh nghiệp làm khi họ thấy có ích (theo yêu cầu của ngân hàng cho vay chẳng hạn), không thì thôi.

 

Kế toán và thống kê đã trở nên khác nhau

Vậy tại sao ở ta lâu nay luật vẫn buộc mọi doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ nói ở trên) phải lập BCTC để nộp cho cơ quan nhà nước? Điều này có lẽ phải quay lại thời bao cấp. Khi đó nền kinh tế công hữu chỉ có hai phần kinh tế quốc doanh và tập thể. Hơn 12.000 doanh nghiệp trong nền kinh tế đều là xí nghiệp quốc doanh, được quản lý bằng biện pháp hành chính. Do đó nguồn thông tin kế toán từ xí nghiệp vừa được sử dụng để quản lý xí nghiệp vừa là công cụ của quản lý nhà nước.

Kế toán và thống kê khi ấy được coi là một, vì đều xuất phát từ cùng một nguồn, cách thức ghi chép và đều là công cụ của nhà nước để quản lý kinh tế tài chính. Đó là lý do tại sao dù kế toán và thống kê là hai thứ hoàn toàn khác nhau nhưng ta có một pháp lệnh năm 1988 thời đầu đổi mới quy định chung cho cả kế toán và thống kê.

Nhưng nay kế toán và thống kê đã trở nên khác nhau, được điều chỉnh bởi hai luật riêng biệt. Vậy thì hà cớ gì vẫn bắt DNNVV phải lập BCTC gửi cho cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh? BCTC ngày nay giúp gì cho quản lý nhà nước? Nếu cơ quan thuế đã nhận đầy đủ hồ sơ nộp/quyết toán thuế của doanh nghiệp rồi thì còn bắt họ phải nộp thêm BCTC để làm gì?

 

Chỉ nên giữ chế định kế toán trưởng với DNNN

Giờ hãy nói về chế độ kế toán trưởng bắt buộc ở Việt Nam. Cái gốc của cơ chế kế toán trưởng bắt nguồn sâu xa cũng từ cơ chế quản lý xí nghiệp trong nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô. Theo đó xí nghiệp được coi như một đơn vị hành chính, một mắt xích trong dây chuyền thực hiện kế hoạch từ trung ương.

Đứng đầu xí nghiệp là vị giám đốc - đại diện của cơ quan chủ quản cấp trên tại xí nghiệp, có toàn quyền quyết định công việc của xí nghiệp. Kế toán trưởng trong bối cảnh đó thực hiện cùng một lúc hai chức năng quan trọng: i) tổ chức thực hiện công tác kế toán (và cả thống kê) của xí nghiệp; ii) là “tai mắt” của cấp trên để kiểm tra và giám sát vị giám đốc nhiều quyền này.

Đến sau đổi mới, vai trò kế toán trưởng cũng không có gì thay đổi. Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988 quy định tại mỗi xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh phải có kế toán trưởng giúp giám đốc tổ chức, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác kế toán/thống kê, đồng thời có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát kinh tế, tài chính ở xí nghiệp.

Điều lệ kế toán trưởng xí nghiệp quốc doanh (ban hành theo Nghị định số 26-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng) quy định thêm rằng kế toán trưởng có mức lương và quyền như phó giám đốc xí nghiệp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc, đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra về mặt nghiệp vụ của kế toán trưởng cấp trên và của cơ quan tài chính, thống kê cùng cấp.

Giờ hãy thử đặt hai chức năng “truyền thống” của kế toán trưởng trong thời buổi ngày nay. Chức năng thứ nhất của kế toán trưởng là không cần thiết nữa vì như đã lập luận ở phần trên, không nên bắt DNNVV nộp BCTC nữa. Quan trọng hơn, với những doanh nghiệp buộc phải lập BCTC thì họ cũng nên được trao quyền tự tổ chức thực hiện công tác kế toán, được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán bên ngoài để làm BCTC. Đó là biểu hiện của việc tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nên hiểu rằng trách nhiệm cuối cùng về lập BCTC thuộc về ban điều hành doanh nghiệp chứ không phải là người trực tiếp chuẩn bị BCTC.

 

Chức năng thứ hai, tức “tai mắt” của cấp trên, rõ ràng không còn tồn tại trong các doanh nghiệp dân doanh nữa, có chăng chỉ còn thấp thoáng trong các DNNN mà thôi. Chính vì thế nên ở Trung Quốc hiện nay chỉ còn quy định cơ chế kế toán trưởng bắt buộc cho DNNN.

Những điều trên cũng giải thích tại sao không thấy cơ chế kế toán trưởng trong luật công ty ở các nước tư bản cho dù mọi kiến thức kế toán hiện đại đều từ đó mà ra. Còn ở ta, hãy cứ đọc kỹ Luật Kế toán sẽ thấy nhà làm luật về cơ bản vẫn muốn “quản” doanh nghiệp dân doanh thời nay như các đơn vị kế toán có sử dụng ngân sách nhà nước và DNNN, không khác gì xí nghiệp quốc doanh thời xưa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2535786