Có một "Định luật cây tre" rất đơn giản nhưng cũng rất khó khăn. Có bao nhiêu người chưa cắm rễ xong mà đã vội thể hiện, chuốc lấy thất bại rồi cuốn cờ rút lui?
Thành quả đến từ sự kiên trì
Từ xưa đến nay, cây tre phát triển từ mầm, khi mới mọc thì tốt độ sinh trưởng rất chậm. Đôi khi, chúng mất 4 năm chỉ tăng thêm 3 cm.
Nhưng khi đến năm thứ 5, nó sẽ phát triển một cách điên cuồng với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất 6 tuần sau đó để đạt chiều cao 15 mét. Theo kinh nghiệm thực tế của một số nông dân, nếu bạn đến rừng tre vào ban đêm trong khoảng thời gian này, bạn còn có thể nghe thấy tiếng tre mọc đốt liên tục, tốc độ sinh trưởng nhanh đến như vậy.
Tại sao thời gian ban đầu chúng mọc rất chậm, nhưng sức công phá sau đó lại mạnh mẽ đến vậy? Hóa ra nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới đất trong 4 năm đầu tiên. Vì rễ ăn sâu và rộng nên khi “thời tới”, nó phát triển nhanh hơn bất kỳ loại thực vật nào.
“Luật tre” nghe thì có vẻ đơn giản và dễ hiểu, nhưng bao nhiêu năm nay, liệu có được bao nhiêu người vượt qua giai đoạn cắm rễ này để bứt phá về sau? Hay tất cả đều vội vàng thể hiện thật nhanh, thành công chớp nhoáng, rồi mất sức trên chặng đường dài cho thiếu chuẩn bị, chỉ còn nước cuốn cờ rút lui?
Ẩn mình lâu ắt bay được cao
Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Đại phương vô ngung; đại khí vãn thành; đại âm hi thanh; đại tượng vô hình”.
Trong đó, “Đại khí vãn thành” có nghĩa là, muốn làm thành một đồ vật lớn thì cần phải có thời gian tương đối dài. Câu nói này sau được dùng để ví với người có tài, ý nói càng là người có tài năng lớn thì công thành danh toại càng muộn.
Cuộc sống cần trải qua một quá trình rèn luyện và phát triển lâu dài. Con người không ngừng làm việc chăm chỉ, không ngừng phát hiện ưu - khuyết bản thân để kịp thời thay đổi hoặc phát huy đúng hướng hơn. Thông qua đó, chúng ta hoàn thiện chính mình mỗi ngày, đến khi đủ khả năng gánh vác trọng trách và gặt hái những thành tựu mới thôi.
Tăng trưởng không bao giờ đạt được trong một sớm một chiều, chỉ có con đường không ngừng tích lũy.
Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", khi Ngụy quốc tiêu diệt Thục quốc, tướng quân Dương Hỗ được cử đến trấn thủ Tương Dương, ngăn chặn quân Ngô âm mưu xâm lược.
Mặc dù tình thế bấp bênh nhưng ngay khi vừa lên nắm quyền, Dương Hỗ đã thực hiện một loạt chính sách mềm mỏng, ví dụ như:
- Giảm bớt số lượng binh lính tuần tra biên giới, để họ khai hoang ruộng đất bỏ không và canh tác trồng trọt. Theo cách này, số quân lương ban đầu chỉ đủ sử dụng trong 3 tháng đã gia tăng nhanh chóng. Đến cuối năm, Tương Dương đã trữ được lượng lương thảo đủ dùng trong 10 năm.
- Nếu binh lính Ngô quốc muốn trở về quê nhà, Dương Hỗ đồng ý.
- Trong doanh trại, tướng quân cũng mặc quần áo đơn giản nhẹ nhàng, cưỡi ngựa tuần tra, chung quanh chỉ có mười mấy thị vệ theo gần.
- Ngay cả khi Lục Kháng, người trấn thủ Đông Ngô lúc bấy giờ, tìm cách khiêu khích hay kích tướng, Dương Hỗ vẫn bình chân như vại, vững vàng trấn thủ trong thành mà không chủ động tấn công.
- Khi đi săn, Dương Hỗ luôn căn dặn thuộc hạ tuyệt đối không được xâm phạm biên giới Ngô quốc. Nếu có đụng độ với quân của Lục Kháng, quân Ngụy còn đem trả những con thú trên đất Ngụy nhưng trúng tên của Đông Ngô cho đối thủ.
Những chính sách đa dạng của Dương Hỗ không chỉ chiếm được tình cảm của người dân Tương Dương, mà còn khiến Lục Kháng sinh lòng nửa kính trọng, nửa e dè, từ đó không bao giờ xâm phạm Tương Dương nữa.
Những gì Lục Kháng sử dụng chính là đạo lý đã được Đạo Đức Kinh đề cập: “Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được".
Giống như cây tre khi gặp bão lớn sẽ vận dụng tính đàn hồi và độ nghiêng của thân thể để giảm bớt sức quật, mượn gió để gỡ bỏ cứng cáp. Đợi tới khi trời quang mây tạnh, nó lại hiên ngang vươn mình thẳng tắp.
Khi địch mạnh mà ta yếu, Dưỡng Hỗ cũng dùng cách mềm mỏng, nhẹ nhàng mà không mất lễ nghĩa để trì hoãn thời gian và làm cho địch bối rối. Đợi tới tinh thần của đối phương nản lòng, quân ta lại đạt được sĩ khí cao vút thì giành thắng lợi là chuyện dễ như trở bàn tay.
Thành công không bao giờ sợ muộn
Nhà quân sư nổi tiếng thời cổ đại Khương Tử Nha chính là một ví dụ điển hình của người thành công muộn. Tuy tổ tiên từng làm quan lớn, nhưng đến khi ra đời, gia cảnh nhà họ Khương đã rơi vào bần cùng, suy tàn trong nghèo khó.
Để kiếm sống qua ngày, Khương Tử Nha từng có lúc phải bán giày cỏ, bán thịt rượu để lấy tiền. Thế nhưng, dù đói nghèo, ông vẫn nuôi chí lớn, ngày ngày khắc khổ học tập đạo trị quốc hưng bang, đợi ngày thời cơ tới.
Quả nhiên trời không phụ lòng người, năm 72 tuổi, khi đang câu cá bên bờ sông Vị Thủy, Khương Tử Nha gặp được Chu Văn Vương. Ông được tôn làm thái sư, hết lòng phò tá thiên tử hai đời, định ra nhiều quốc sách quan trọng.
Sau này, Khương Tử Nha được tôn làm Thượng phụ, là thống soái cầm quân giành về rất nhiều thắng lợi trong quá trình dấy binh phạt Trụ, thành lập nhà Chu. Nhờ là khai quốc công thần, ông được phong cho đất Tề, trở thành người khai sáng ra văn hóa một nước.
Một người không có sẵn tài năng hay tri thức ngay từ khi mới sinh ra. Tuy có tư chất thông tuệ đến mấy mà không được học tập và thui rèn không ngừng, bạn chỉ đang giữ trong tay hòn ngọc quý mà không biết cách tận dụng làm ra giá trị, không khác gì giữ một hòn đá cuội vô tri.
Hiểu được định luật cây tre, người khôn ngoan sẽ biết dày công chuẩn bị, chăm chỉ rèn luyện, tích tiểu thành đại, lấy nhu thắng cương để cuối cùng đạt được thành tựu của riêng mình. Càng là sự nghiệp lớn thì càng cần phải bỏ ra công sức nhiều và thời gian lâu dài mới có thể đạt được. Thành công thì không bao giờ sợ muộn.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ