Đăng nhập

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA SỐ 10:  Kính chào Quý khách !

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

(028) 38720567
0909894009 - Mr Sơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập:
Đang online:
Past 24h:

Bán cổ phần theo lô - Có chặn được nạn "thông thầu"

2015-10-05 14:55:57

Thời báo kinh doanh | 4 giờ trước | 05/10/2015      

 

Sau cổ phần hoá, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phép thực hiện bán cổ phần theo lô để thu hút nhà đầu tư lớn. Dù "nới" cơ chế, song Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành lại "trói chặt" các quy trình, thủ tục bán đấu giá cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán.

 

Vấn đề quan trọng nhất khi tiến hành bán đấu giá cổ phần lô lớn là bán cho nhà đầu tư thực sự quan tâm, có tiềm lực tài chính, hỗ trợ và cam kết đầu tư vào doanh nghiệp lâu dài. Nhưng, từ thực tế bán đấu giá cổ phần thiếu công khai, minh bạch đã xảy ra tình trạng nhà đầu tư thông thầu, bỏ giá thấp để mua rẻ cổ phần sau đó bán "sang tay" kiếm lời. 

 

Bán qua sàn có tốt hơn?

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô, việc thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường được tổ chức trên sàn giao dịch Upcom. 

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ quản lý ngành), UBND tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ… sẽ chịu trách nhiệm thực hiện. 

Trong đó, quy định rõ việc bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá công khai qua Sở giao dịch chứng khoán theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, phê duyệt số lô cổ phần bán đấu giá; số lượng cổ phần của mỗi lô; giá khởi điểm của lô cổ phần, tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá; phương án xử lý trong trường hợp đấu giá không thành công… Các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô này sẽ không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định hiện hành. 

 

Hơn nữa, DN có thể chia thành nhiều lô cổ phần khác nhau để bán đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường. Nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán một lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Trường hợp bán chỉ định (không qua Sở Giao dịch chứng khoán) thì thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Những quy định mới nêu trên được cho là giúp "cởi trói" cho nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục, cách thức bán đấu giá cổ phần DN khi cổ phần hoá hiện nay. Thế nhưng, một số chuyên gia tài chính đã đặt ra nhiều băn khoăn về quy định như vậy có "cứng" quá và gây khó khăn cho DN khi triển khai. 

Vì sao Chính phủ đã mở rộng cho DN bán cổ phần theo lô để thu hút nhà đầu tư, nhưng lại buộc phải đấu giá qua sở giao dịch mà không cho bán cổ phần thông qua công ty chứng khoán hay tại DN; vì sao quy định mỗi phiên đấu giá lại bán 1 lô cổ phần mà không cho bán nhiều lô nếu thấy thị trường thuận lợi? 

Ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) giải thích: "Việc bán cổ phần theo lô khác với bán cổ phần thông thường, bán cổ phần số lượng lớn. Việc thực hiện bán cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhất là hạn chế tình trạng thông thầu giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá". 

"Quyết định 41 của Chính phủ quy định mỗi lô cổ phần bán theo lô có số lượng không thấp hơn 5% vốn điều lệ. Khi đấu giá, chỉ bán 1 lô để nhiều nhà đầu tư đăng kí, bỏ giá và ai bỏ giá cao nhất thì trúng thầu"- Ông Hiền nói, cho rằng cách làm này sẽ giúp cổ phần bán được giá cao hơn, hiệu quả thu hồi vốn nhà nước tối đa, tránh thất thoát. 

Quy định "chỉ 1 NĐT được đăng kí mua 1 lô" cũng gây thắc mắc vì thực tế, nhà đầu tư chưa đủ tiềm lực, có thể huy động nhóm nhà đầu tư cùng tham gia mua cổ phần. 

Vấn đề này, theo ông Hiền, Quyết định 41 quy định: "Khi đấu giá không thành công thì cho phép DN chào hàng cạnh tranh. Khi ấy, nhiều nhà đầu tư vẫn đưa giá mua cổ phần bằng nhau thì sẽ chia đều số lượng cổ phần cho các NĐT tham gia bỏ giá trong phiên đó. Tất cả các quy định này đều nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và hạn chế nạn thông thầu".

Cần nhà đầu tư đồng hành DN

Từ năm 2001 đến nay, hàng nghìn DN nhà nước đã được cổ phần hoá, chuyển đổi sang công ty cổ phần và niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, rất nhiều DN vẫn chây ỳ, chậm trễ triển khai cổ phần hoá hoặc "câu giờ" không chịu thoái vốn nhà nước. Một số nguyên nhân chính là do thị trường chứng khoán suy thoái, chưa thuận lợi, nhà đầu tư kém mặn mà, giá cổ phần thấp… 

Giai đoạn 2012-2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác cổ phần hoá DNNN, tập đoàn, tổng công ty lớn, thoái vốn đúng theo lộ trình được phê duyệt. Nhưng, 6 tháng đầu năm 2015, cả nước mới có 61 DN được cổ phần hoá, còn hơn 228 DN chậm trễ liệu có hoàn thành trong năm nay? 

Kết quả này vẫn quá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra và xét về tiến độ, đã bị chậm, khó hoàn thành kế hoạch. 

Theo một số chuyên gia, điều quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực thực sự và cam kết gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với DN. Mà cam kết của nhà đầu tư mua cổ phần theo lô lại chưa rõ ràng.

"Khi các NĐT đăng kí mua cổ phần theo lô đều phải cam kết thực hiện tiếp nhận người lao động, gắn bó lâu dài, hỗ trợ DN, nâng cao năng lực tài chính, quản trị… Bộ Tài chính thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thoái vốn, bán đấu giá cổ phần của DN và báo cáo lại cho thủ tướng Chính phủ quyết định cuối cùng"- Ông Hiền nhấn mạnh.

Thu Hằng